Tín hiệu vui cho một đời sống dân sự bình thường

1. Vào thời gian đầu xảy ra thảm họa cá chết Formosa, khi phản ứng chính quyền còn “chậm”, và trong tâm điểm người dân cả nước đòi hỏi quyền được minh bạch thông tin, thì cũng đồng thời xuất hiện lời kêu gọi của những nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước cần có đánh giá khoa học độc lập về môi trường biển miền Trung. Dự án Phân tích độc lập ô nhiễm biển miền Trung ra đời, tập trung vào việc lấy mẫu, phân tích và xử lý dữ liệu, đánh giá chất lượng nước biển, trầm tích và sinh vật bám đáy.

Hàng loạt chuyên gia, nghiên cứu sinh về hóa học, phân tích môi trường, xử lý môi trường và độc học môi trường vào cuộc. Họ làm việc ở nhiều cơ quan nghiên cứu trong, ngoài nước, có thể kể như ĐH KH Tự nhiên Hà Nội, Viện Hải Dương Học, ĐH Khoa học Huế, ĐH Princeton, ĐH California, ĐH Arizona, Viện Scripps, ĐH Washington, ĐH quốc gia Chonnam, ĐH UMT (Malaysia), ĐH Tohoku. Và cũng gần như ngay lập tức, dự án nhận được đóng góp kinh phí “nóng hổi” từ cộng đồng trong, ngoài nước lẫn của những người trong cuộc, với tổng khoảng 500 triệu đồng.

Kết quả ban đầu đã đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng. Theo Phan Vũ Xuân Hùng, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (Postdoc) ngành Hóa vật liệu, ĐH California, Santa Barbara, Mỹ, đại diện Nhóm nghiên cứu độc lập, nhóm nghiên cứu khuyến nghị nhóm chuyên gia phân tích của Nhà nước phân tích kĩ hơn các nhóm chất như PAHs (Polycyclic Aromatic Hydrocarbons) và PCBs (Polychlorinated biphenyls). Đây là những hợp chất hữu cơ ô nhiễm có thể tồn tại lâu trong môi trường và môi trường biển, khó phân huỷ, tích luỹ trong trầm tích, sinh vật biển; nếu ăn phải thì không bị đào thải mà nằm trong cơ thể con người. Tích luỹ lâu dài, các hợp chất này có thể gây ra những rối loạn trong cơ thể, hoặc bệnh ung thư. Vì vậy, việc cần phân tích những chất tồn lưu trong cá, hải sản – dù không làm cá, hải sản chết – là rất cần thiết.

Kết quả phân tích và khảo sát cũng cho thấy, thời gian hồi phục của hải sản ở vùng biển bị ô nhiễm (gần bờ và ven bờ) là khá lâu, mất khoảng 2-5 năm để có thể hồi phục tương đối, còn khôi phục hoàn toàn thì mất khoảng 10-15 năm, với điều kiện không có thêm nguồn ô nhiễm thải ra biển. Vì vậy cần nghiên cứu kĩ hơn về thời gian phục hồi của hải sản, để giúp ngư dân có kế hoạch chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống.

Trao đổi, những người khoa học trẻ này trăn trở: trong chuyện này, người làm phân tích tốt và đưa ra kết quả khoa học nhất vẫn là nhà nước, vì nhà nước có tiềm lực, có thể đi lấy mẫu bất cứ chỗ nào, có rất nhiều dữ liệu có sẵn,… Tuy nhiên, về bản chất khoa học, và với môi trường biển luôn biến động, phức tạp, thì vẫn luôn cần những kết quả khoa học độc lập so sánh, đối chiếu.

Chia sẻ “đây như là một trách nhiệm dân sự, cộng đồng?”, nhóm nghiên cứu bộc bạch rằng, đó chỉ là một phần. Một điều khác, khi trong đời sống xảy ra những vấn đề như Formosa, thì việc bắt tay vào nghiên cứu độc lập như là một “bản năng” của người làm khoa học, đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi “tại sao” trong đầu họ. Đó là một “nếp sống” bình thường của khoa học thế giới; rất nhiều nhà khoa học tham gia dự án cộng đồng, dùng kiến thức họ có được để giúp cộng đồng.

2. Năm 2015 là một năm chứng kiến sự ra đời và phát triển của hàng loạt các chiến dịch xã hội, cộng đồng, đặc biệt là những chiến dịch bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường, một vấn đề nóng bỏng và ngày càng đặt cuộc sống mỗi người vào những khủng hoảng về bệnh tật, mất sinh kế, môi trường sống trong lành… Có thể kể như chiến dịch 6700 người vì 6700 cây xanh với kết quả “trọn vẹn” khi góp phần vào thay đổi quyết định của chính quyền Hà Nội trong vụ chặt cây xanh; #SaveSonDoong từ khởi xướng của bạn trẻ Lê Nguyễn Thiên Hương với mục phản đối dự án cáp treo vào hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoònghay Trả lại đường lên Bà Nà, Bảo vệ Tê Giác, Bảo vệ sông Đồng Nai, Cứu biển Nha Trang,… Gần hơn có thể kể tới chiến dịch phản đối xây dựngdự án “Quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sapa” trên nóc nhà Đông Dương Fansipan, Bảo vệ bán đảo Sơn Trà với loài voọc chà vá chân nâu đang có nguy cơ tuyệt chủng,…

Bắt đầu từ “cột mốc” trận hải chiến chống lại quân Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa (diễn ra ngày 19.1.1974) được viết lại đầy đủ và sống động trên các phương tiện truyền thông sau 40 năm, một nhóm nhà khoa học, nhà báo đã gầy dựng nên chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa, để “làm điều gì đó thiết thực hơn cho thân nhân những người lính đã hy sinh ở Hoàng Sa, và cho những người lính từ Hoàng Sa trở về đang sống âm thầm”. Chương trình không chỉ là vấn đề vật chất, mà còn là thái độ của người VN hôm nay trước anh linh của những thế hệ cha anh “vệ quốc vong thân”; như một nhịp cầu nối để bắt đầu những bước đi chung của người VN từ muôn phương. Chương trình Cơm có thịt do nhà báo Trần Đăng Tuấn khởi xướng là một sức lan tỏa rộng khắp khác, với những bữa ăn có dinh dưỡng và giúp các em nhỏ vùng cao bớt chật vật hơn khi tới trường…

Tất cả đều bắt đầu từ, như nhà báo Trần Đăng Tuấn đã nói, “mệnh lệnh từ trái tim”. Nó khơi dậy, “thức tỉnh” tinh thần dân sự, mà mỗi ngày là thêm một thừa nhận. Đó là những chương trình, dự án xã hội cộng đồng được tôn vinh qua những gương mặt bạn trẻ lọt vào Danh sách 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật tại VN, do Forbes VN bình chọn: cô gái trẻ Mai Lan Vân với mô hình “Du lịch thiện nguyện – Tình nguyện vì giáo dục” chuyên tổ chức các tour du lịch tới miền núi khó khăn kết hợp thiện nguyện; chàng trai Lương Thế Huy, người đấu tranh và truyền cảm hứng cho quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT); hay cô gái Nguyễn Thủy Tiên, đồng sáng lập và điều hành Mạng lưới ung thư vú Việt Nam,… Đây đều là những dự án có tác động, tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, quy mô tổ chức, tiềm năng nhân rộng, khả năng truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khác,…

Cũng vừa tháng 9 năm nay, Nguyễn Quang Thạch, người VN đầu tiên vừa đoạt giải thưởng Xóa mù chữ quốc tế (International Literacy Prizes) do UNESCO trao tặng – một giải thưởng tôn vinh những người khai trí. Anh Thạch được lựa chọn bởi dự án Sách hóa nông thôn, mà anh đã theo đuổi 20 năm. Đến nay, hệ thống thư viện của anh đã đưa sách tới tay hơn 400.000 người đọc ở nông thôn, xây dựng hơn 9.000 thư viện ở 26 tỉnh thành; “lôi kéo” được cả Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự tham gia. Nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất, Sách hóa nông thôn được UNESCO đánh giá cao chính là vì tính cộng đồng chứ không phải là nỗ lực của cá nhân…

Những “tín hiệu vui” đó đang dần mở ra một đời sống dân sự bình thường.

3. Có một điều dễ nhận thấy ở các phong trào cộng đồng, xã hội ở VN là sức trẻ: chất liệu trẻ, khuôn mặt trẻ, trái tim trẻ, với mong muốn được đóng góp tiếng nói của mình như là quyền lợi lẫn trách nhiệm với cuộc sống xã hội xung quanh mình. Nhưng, một điểm rất khác biệt so với các phong trào cộng đồng trên thế giới (có tác động đến mọi tầng lớp cộng đồng trong xã hội), các hoạt động cộng đồng ở VN chỉ mới dừng lại là trào lưu, chưa trở thành nếp sống, thái độ sống nhất định trong xã hội. Các phong trào này ngày càng mở rộng, nhưng phần lớn chỉ mới dừng lại ở tính chất tương đối ngắn hạn, trực tiếp, mang tính chất từ thiện trước mắt. Cũng vậy, khi các phong trào cộng đồng, hoạt động xã hội trên thế giới tìm đến các giải pháp kinh tế và chính trị, thì ở VN, hai “giải pháp” này vẫn còn xa lạ và còn bị “từ chối”. Khoảng trống của một xã hội dân sự bình thường là có thật, khi những hoạt động giám sát đền bù, hỗ trợ vì những thảm họa gây thiệt hại; thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình; giám sát và vận động chính sách; truyền thông giáo dục nâng cao kiến thức cộng đồng,… vẫn còn những “lối rào”.

Với vai trò chia sẻ trách nhiệm với nhà nước, xã hội dân sự có một chức năng lớn là giúp nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội mà nhà nước không đủ sức làm, tức là lấp vào khoảng trống, bỏ quên không ai làm, nhà nước không làm và làm ko hiệu quả… Nó như là một xu thế quản trị hiện đại, phân chia trách nhiệm. Còn nhớ trước đây, cứu trợ thiên tai là việc riêng của chính quyền, của các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO). Những viện trợ nhân đạo, xây trường, trạm xá, hỗ trợ y tế, bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ miền núi,… đã được các INGO làm từ những năm 90s. Khoảng đầu những năm 2000 là thời “hoàng kim” của các INGO, với hàng trăm tổ chức, và mỗi năm là khoản hỗ trợ khoảng 1-2 tỉ USD (tính vào vốn ODA không hoàn lại), nhưng nó vẫn là một mảng “rất riêng”, không “ở lại” được đời sống VN sau khi các dự án rút đi. Khác biệt, bây giờ Sách hóa nông thôn của Nguyễn Quang Thạch đã “bám rễ” được vào đời sống cộng đồng, đánh thức được nhu cầu của người Việt, nhờ thấu hiểu được văn hóa, vấn đề cội rễ nằm sâu trong đất nước mình. Điều đó cũng có nghĩa, là dấu hiệu cho thấy, để lan tỏa được nhiều Sách hóa nông thôn, Cơm có thịt, hay đưa khoa học vào “trách nhiệm cộng đồng” như câu chuyện Formosa là một điều bình thường,… thì rất cần sự cởi mở hơn, cùng cơ chế quản trị chuyên nghiệp, để làm nên một xã hội dân sự thực sự cho người Việt.

LÊ QUỲNH

 

 

 

Leave a comment